Dự luật quảng cáo còn nhiều tranh cãi

Khái niệm thế nào là quảng cáo còn tranh cãi, bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời, hạn chế quảng cáo trên báo - đài cần xem xét lại… Hầu hết các chuyên gia khẳng định dự thảo còn nhiều thiếu sót cần điều chỉnh.

Trái với sự tăng nhanh về kinh tế, xã hội thì hệ thống pháp luật về quảng cáo đang có những bất cập, Pháp lệnh quảng cáo ban hành năm 2001 cộng với những quy định riêng về hình thức này trong Luật Thương mại, Báo chí, xuất bản… khiến việc quản lý quảng cáo luôn rối rắm. Điển hình là việc loạn pano, biển quảng cáo ngoài trời, công ty chuyên bán hàng qua truyền hình thì bị phát hiện kinh doanh hàng giả… trong thời gian qua.

Dự thảo Luật quảng cáo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng để trình Quốc hội vào tháng 10 năm nay xem xét, tuy nhiên, đến thời điểm này, dự thảo vẫn được cho là có nhiều thiếu sót. Hội nghị tham vấn diễn ra cả ngày 12/7 “nóng” với những góp ý thẳng thắn từ các chuyên gia.

Ngay từ khái niệm thế nào là quảng cáo, dự thảo đã bị “soi”. Theo dự thảo: quảng cáo là việc giới thiệu đến công chúng, cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lời và không có mục đích sinh lời.

“Điều này cần xem lại, quảng cáo không phải là giới thiệu vì giới thiệu trong thương mại là hoạt động sinh lời dù kể cả giới thiệu tên do tên doanh nghiệp vẫn là thương hiệu có thể tạo ra lợi nhuận”, ông Nguyễn Danh Lam, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Công Thương nói.

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam cho rằng khái niệm “giới thiệu” mang nặng tính thông tin (thông tấn, tuyên truyền) báo chí chứ chưa lột tả bản chất của quảng cáo vì quảng cáo được ra đời và phát triển từ nền kinh tế thị trường và dịch vụ phần nhiều tính thương mại.
Bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời đang được đưa vào dự thảo luật. Ảnh: Kiên Cường
Bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời đang được đưa vào dự thảo luật. Ảnh: Kiên Cường
Theo ông Lam, quan điểm của Bộ Công Thương, hoạt động quảng cáo là hoạt động sinh lời, đa số các nước khác cũng đều khẳng định vậy chứ không phải là tuyên truyền (có cả tuyên truyền chính trị, mục tiêu quốc gia…), giới thiệu chung chung. “Có lẽ chúng ta đang lẩn tránh, không dám nói rõ điều này”, ông Lam nói.

Bỏ lửng phần “khái niệm” chưa có lời giải đáp, các chuyên gia tiếp tục thắc mắc vì sao dự thảo lại bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời trong khi đây đang là thực trạng nhức nhối cần chấn chỉnh”Quảng cáo ngoài trời là lộn xộn và tiêu cực nhất, nếu muốn bỏ giấp phép thì phải có quy hoạch, quy hoạch khung, lúc đó, bản thân quy hoạch mới có thể thay thế cho việc cấp phép”, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam Đinh Quang Ngữ phân tích.

Một chuyên gia cũng cho biết chính ban soạn thảo cũng thể hiện sự lúng túng với điều này khi trong các dự thảo trước đó có lúc đưa vào nhưng có lúc lại bãi bỏ thủ tục cấp phép cho quảng cáo ngoài trời.
Ngoài sự không nhất quán trong quảng cáo ngoài trời, “bó hẹp” diện tích quảng cáo trên báo in, điện tử, truyền hình trong dự thảo cũng được nhiều ý kiến cho là không hợp lý.

“Việc hạn chế quảng cáo tối đa: 15% diện tích tạp chí, 10% báo nói và truyền hình, 15% diện tích khuôn hình của báo điện tử là các quy định sức thiếu thực tế, nó làm hạn chế sự phát triển truyền thông và bóp nghẹt nguồn thu”, ông Ong Xuân Minh, Giám đốc dự án Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h nói.

Theo ông Minh, những đơn vị trên hầu hết không hoạt động dựa vào ngân sách nên diện tích quảng cáo nhỏ dẫn đến không có nguồn thu duy trì hoạt động, nội dung đi xuống trong khi đây là những phương tiện truyền thông đóng góp lớn cho sự phát triển xã hội, kinh tế cũng như vai trò thông tin.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Truyền thông Việt Nam (Vc.corp) dự báo nếu luật này được thông qua thì sẽ kéo theo sự giảm sút 30-50% doanh thu khiến các báo điện tử rất khó khăn. Riêng với dự thảo quy định quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá 15% khuôn hình, trừ chuyên trang, ông Tân cho rằng rất vô lý vì sẽ chẳng có báo điện tử nào mở chuyên trang quảng cáo do độc giả sẽ không click chuột vào trang chỉ có quảng cáo.

Với những thiếu sót trên, hầu hết các chuyên gia tham gia hội nghị đều chung quan điểm là dự thảo phải cần chỉnh sửa nhiềuVề khái niệm quảng cáo, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Phó giáo sư Trần Thị Tâm Đan góp ý ban soạn thảo cần tư duy thêm vì khái niệm “mục đích không sinh lời” là rất rộng bao gồm cả tuyên truyền mà tuyên truyền thì không thể “đánh đồng” là quảng cáo.

Với cấp phép quảng cáo ngoài trời, ông Hà Văn Tăng nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa Thể Thao Du lịch nhận định cấp phép ngoài trời tạo sự an tâm nào đó nhưng thật sự bộc lộ những hạn chế, nhược điểm như cơ chế xin - cho gây nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp. Thay vào cấp phép, có thể quy định các điều kiện có và đủ để quảng cáo và sản phẩm quảng cáo phải đăng ký với cơ quan chức năng để làm căn cứ hậu kiểm.

Tuy nhiên, bà Đặng Thị Phượng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Tây Ninh cho rằng bỏ quy định cấp phép quảng cáo ngoài trời cần có lộ trình vì thực tiễn hiện nay công tác quy hoạch quảng cáo tại phần lớn các địa phương chưa ổn định.

Ông Tân đề ra biện pháp hướng tới việc quản lý quảng cáo trên báo - đài như tạo thuận lợi cho quảng cáo trực tuyến, chính sách ưu đãi khác…
Kiên Cường