Quy định mù mờ, ngành quảng cáo oải!

Tác giả: Do Van Chinh, 08:03 24/03/2011 - Bình luận (0)

(E-media) - Tại TP.HCM, trong bộ hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo phải có hợp đồng kinh tế, trong khi hợp đồng có những nội dung cần bảo mật như giá cả, thời hạn quảng cáo.

    Sáng nay (24-3), các doanh nghiệp quảng cáo trong cả nước cùng bàn về một số vướng mắc trong hoạt động quảng cáo nhằm góp ý cho dự thảo Luật Quảng cáo tại hội thảo do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng.

    Khung pháp lý rõ ràng, thủ tục minh bạch, quy hoạch hợp lý… sẽ tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp tự lèo lái, không cần nhà nước ràng buộc bằng giấy phép. Đó là những kiến nghị mà Pháp Luật TP.HCM ghi nhận từ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trước thềm hội thảo.

    Phải “đẻ” thêm công ty con để “lách”

    Các doanh nghiệp cho rằng Pháp lệnh Quảng cáo hay các văn bản hướng dẫn không có quy định khung rõ ràng. Vì vậy, lâu nay địa phương có thể tự đặt thêm các quy định riêng mà không cần chứng minh tính cần thiết của quy định đó.

    Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Công ty Quảng cáo Phước Sơn, cho ví dụ về quảng cáo bằng bảng cỡ nhỏ đặt ngang mặt tiền cửa hàng. Tại Đà Nẵng có quy định nộp bản vẽ thiết kế bảng này chung với mặt tiền nhà và phải qua thẩm định thiết kế. Quy định này khiến nhiều công ty quảng cáo phải “đẻ” thêm công ty con làm nhiệm vụ thiết kế, thẩm định để có bản vẽ nộp trong hồ sơ. Trong khi nhiều tỉnh khác không đặt thủ tục này.

    Ông Sơn cũng ví dụ nhiều tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM đã đơn giản hóa thủ tục cấp phép bảng quảng cáo ngang mặt tiền. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ cần nộp một bộ hồ sơ cho một nội dung quảng cáo, kèm theo danh sách liệt kê các địa điểm đặt bảng. Trong khi đó, Đà Nẵng vẫn đòi từng địa điểm đặt bảng phải có một hồ sơ xin phép riêng.
    Bảng quảng cáo dọc sông Hàn tại TP Đà Nẵng được xem là đẹp nhờ quy hoạch tốt. Ảnh: QUỲNH NHƯ

    Một giám đốc công ty quảng cáo tại TP.HCM cũng nêu ví dụ: Tại TP.HCM, trong bộ hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo phải có hợp đồng kinh tế, trong khi hợp đồng có những nội dung cần bảo mật như giá cả, thời hạn quảng cáo. Hay như ở Cần Thơ, mới đây lại thêm thủ tục phải nộp bản vẽ xây dựng panô ốp tường trong hồ sơ xin phép thực hiện quảng cáo, khiến doanh nghiệp phải làm thêm bản vẽ này để nộp.

    Nếu luật quy định rõ các loại giấy tờ cần thiết cho việc quảng cáo, đồng thời chỉ cho phép địa phương giảm chứ không được thêm giấy tờ thì sẽ giúp cho thủ tục đồng bộ, không phát sinh thủ tục mới hành doanh nghiệp.

    Tiêu chí quy hoạch còn mù mờ

    Vị giám đốc trên còn có ý kiến cho rằng dự thảo luật phải đưa ra khung cơ bản chung về quy hoạch quảng cáo và đó phải là quy hoạch “mở”, vì đất nước ta nói chung và các thành phố lớn nói riêng thay đổi từng ngày, mỗi ngày đều có công trình xây dựng mới, cảnh quang thay đổi liên tục. Quy hoạch như hiện nay là một quy hoạch cứng, doanh nghiệp muốn thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế phải chờ đợi rất lâu. Quy hoạch mới cần nghiên cứu kỹ hiện trạng đang có để tránh gây tổn thất cho doanh nghiệp.

    Ví dụ, 10 năm trước, doanh nghiệp xây dựng panô quảng cáo 10 m x 20 m dọc đường xa lộ, lúc đó không có quy định khống chế chiều cao, chiều rộng của bảng. Đến nay, theo Quyết định 39 của UBND TP.HCM thì bảng quảng cáo chỉ được cao 8 m và rộng 16 m mà thôi. Theo đó, buộc doanh nghiệp phải sửa lại bảng cũ, mà sửa thì rất tốn kém cho doanh nghiệp.

    Việc thiếu tiêu chí cho địa phương xây dựng quy hoạch dẫn đến việc cơ quan quản lý ít quan tâm đến quyền lợi của doanh nghiệp. Ngoài Sở Văn hóa, các công ty quảng cáo còn phải xin phép bên Sở Xây dựng, cây xanh, cầu đường… Cách đây cũng chục năm, doanh nghiệp TP.HCM xây dựng panô ở đường Nguyễn Hữu Cảnh. Sau này cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng, vừa qua ngành cầu đường yêu cầu dỡ hết bảng quảng cáo ở khu vực này vì cho rằng bảng to, nằm gần cầu, gây chói mắt người đi đường. Thế nhưng chính Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM đã đặt vấn đề yêu cầu chứng minh số vụ tai nạn xảy ra trên cầu vượt, nguyên nhân có phải do bảng quảng cáo hay không thì ngành cầu đường không đưa ra được con số cụ thể. Vậy mà cứ đòi tháo dỡ bảng quảng cáo của doanh nghiệp, mà không nghĩ đến doanh nghiệp sẽ khốn đốn như thế nào.

    Cần dỡ bỏ cấp phép

    Ông Nguyễn Quý Cáp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết hiện nay quảng cáo trên báo chí đã không phải xin phép, do đó cũng nên áp dụng với quảng cáo panô. Hơn nữa, thủ tục cấp phép làm cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nên chăng chỉ xin phép một lần khi xây dựng bảng quảng cáo. Còn sau đó doanh nghiệp quảng cáo gì trên bảng đó thì không phải xin phép.

    Ông Cáp cho rằng doanh nghiệp vi phạm tùy mức độ mà có thể buộc tháo dỡ bảng. Vì sợ “bể” hợp đồng quảng cáo, bồi thường cho khách hàng nên doanh nghiệp sẽ phải cố gắng làm cho đúng.

    Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo Việt Nam, cũng có ý kiến tương tự. Ông cho rằng khi tăng hậu kiểm thì cũng nên thay đổi hình thức chế tài. Mức phạt như hiện nay không thấm vào đâu. Nếu vừa phạt vừa công khai vi phạm, công khai tên tuổi doanh nghiệp thì doanh nghiệp bị đe dọa mất lòng tin của khách hàng, doanh nghiệp sẽ sợ hơn.
    Chiều hôm qua (23-3), Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo.
    Ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho biết thực trạng chung là doanh nghiệp chưa liên kết với nhau nhiều, làm giảm năng lực cung cấp dịch vụ của ngành.
    Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Công ty Dịch vụ Quảng cáo Kim Minh, cho biết nhiều khách hàng đặt vấn đề quảng cáo trên cả nước, thế nhưng các công ty quảng cáo dù mạnh vẫn khó có thể thực hiện quảng cáo khắp các tỉnh, thành. Vì vậy mà doanh nghiệp quảng cáo rất cần liên kết với nhau, cùng hợp tác để cùng thực hiện những hợp đồng lớn.
    Thiếu tiêu chí quy hoạch sẽ nảy sinh tiêu cực
    Tại TP.HCM, lâu nay quy hoạch của từng quận, huyện cơ bản là “hợp thức hóa” các bảng quảng cáo đã có sẵn. Do đó, để có thể chèn thêm bảng quảng cáo, nhất là chèn vào các vị trí đắc địa mà theo quy định là không được quảng cáo, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách liên kết với các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa để làm bảng cổ động chính trị. Xen giữa các thời gian cổ động chính trị là nội dung quảng cáo thương mại. Điều này cũng gây bức xúc cho các doanh nghiệp quảng cáo khác vì sự  “nhập nhèm”, không rõ ràng trong quy hoạch. Nếu cho phép làm như vậy thì cần phải công khai, phải thông báo đấu thầu cho công bằng.
    Ông NGUYỄN QUÝ CÁP, 
    Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam
    Còn xin phép là còn nhũng nhiễu
    Dự thảo Luật Quảng cáo đưa ra hai phương án là doanh nghiệp phải thông báo hoặc xin phép khi muốn quảng cáo panô, bảng hiệu ngoài trời. Còn cấp phép, còn xin cho là còn phát sinh hệ lụy nhũng nhiễu, thậm chí tiêu cực. Bởi lẽ doanh nghiệp nào có quan hệ, có chung chi thì được cấp phép nhanh, địa điểm tốt, giải quyết thuận lợi. Việc chung chi vào các chi phí vô hình này cũng tiếp tay đẩy chi phí lên cao và thực tế đã đẩy giá quảng cáo lên... tận trời rồi! Điều này sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhà sản xuất. Nên sửa luật theo hướng cương quyết bỏ cơ chế cấp phép, thay vào đó là thông báo và hậu kiểm.
    Ông ĐỖ KIM DŨNG, 
    Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo Việt Nam
    QUỲNH NHƯ