Với Steve Jobs, hầu hết những người xuất hiện trong cuộc đời ông đều có thể thay thế được, trừ Jony Ive - "người hùng thầm lặng" vẽ lên những sản phẩm chinh phục hàng triệu con tim: iPod, MacBook, iPhone và iPad.
Vắng Steve Jobs, giới đầu tư và người hâm mộ đang đặt ra câu hỏi lớn cho Apple: liệu họ có thể tiếp tục cho ra đời những sản phẩm sáng tạo khi không còn nhà sáng lập có khả năng "nhìn tương lai"? Thậm chí, ngay trong cuốn tiểu sử của Walter Isaacson, Jobs cũng khẳng định Tim Cook, người được ông chọn làm Tổng giám đốc Apple, "không phải con người của sản phẩm".
Đáp án được các chuyên gia phân tích nhận định sẽ phụ thuộc vào Jonathan Ive, Trưởng bộ phận thiết kế của Apple nhưng ít được biết đến ngoài giới công nghệ. Vai trò của Ive quan trọng đến mức Steve Jobs cho hay không ai có thể bảo Ive phải làm thế này, thế kia và đó là người quyền lực thứ nhì tại Apple sau Jobs.
Jonathan Ive với iPhone và iPod. Ảnh: The Sun. |
Jonathan Ive sinh năm 1967 ở vùng Chingford, Essex (Anh) và là con trai một thợ kim hoàn. Từ nhỏ, ông đã thích thú với việc tỉ mẩn chế tạo các đồ vật. Ông nhiều lần khiến cha mẹ nổi cáu vì âm thầm dỡ tung đài và băng cassette rồi lại tìm cách lắp chúng trở lại.
Ông từng đăng ký lớp học thiết kế xe hơi ở London nhưng nhận thấy các sinh viên khác "kỳ cục và ồn ào" nên đã chuyển đến Newcastle học về thiết kế sản phẩm tại Đại học Northumbria. Ở đó, ông gặp Clive Grinyer, hiện là Giám đốc thiết kế của Design Council. Grinyer nhớ lại: "Ive có thể tập trung vào những thứ cậu ấy muốn đạt được hơn bất cứ ai tôi từng gặp. Cậu ta đã tạo ra 100 mô hình cho dự án cuối kỳ trong khi đa số sinh viên khác chỉ làm có 6".
Sau khi tốt nghiệp, Ive cùng Grinyer làm việc trong công ty Tangerine. Năm 1992, Apple thuê Tangerine tư vấn về các ý tưởng sản phẩm nhằm thâm nhập thị trường máy tính di động. Ive tới Mỹ và lái xe đến Cupertino để giới thiệu mẫu laptop mới cho Apple. Ban lãnh đạo công ty này thích ý tưởng đó nên đề nghị ông ở lại làm việc.
Tuy nhiên, công việc ở Apple nhàm chán tới mức ông định xin nghỉ đúng lúc Steve Jobs trở lại và phát hiện ra Ive chính là viên ngọc chưa được mài giũa. Đó là năm 1997, Jobs thẳng tay sa thải 3.000 nhân viên và định mời nhà thiết kế ôtô lừng danh Giogretto Giugiaro về công ty. Một ngày, ông dừng lại trước phòng của Ive và lần gặp gỡ này đã thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của chàng trai người Anh. Nhìn các mô hình sản phẩm với phong cách tối giản nhưng thực tế, Jobs đã thốt lên: "Trời ơi, chúng ta đang có những gì thế này!". Một trong số đó chính là iMac với màu sắc rực rỡ như những viên kẹo ngọt, thiết kế mà Ive có từ trước nhưng bị ban lãnh đạo Apple gạt sang một bên.
iMac - sản phẩm bắt đầu cho mối quan hệ giữa Steve Jobs và Ive. Ảnh: Daily Mail. |
Steve Jobs lập tức đầu tư các trang thiết bị mới cho phòng thiết kế, ra chính sách bảo mật tối đa để tránh nguy cơ rò rỉ ra bên ngoài, thậm chí xây dựng bếp ăn riêng để hạn chế việc các chuyên gia thiết kế tán gẫu với người không liên quan trong giờ nghỉ trưa.
Đó là sự khởi đầu cho mối quan hệ gần như không tách rời, nghiêm túc nhưng đầy chất thơ giữa Jobs và Ive. Đó cũng là sự khởi đầu cho hàng loạt sản phẩm đã trở thành thiết bị kiểu mẫu trong giới công nghệ. iPhone đã trải qua 5 thế hệ vẫn là một trong những điện thoại đẹp nhất trong mắt đa số người tiêu dùng. iPad không còn kiểu dáng thô kệch và loại bỏ các phím bấm rườm rà của các mẫu tablet PC trước đó để định nghĩa lại máy tính bảng. MacBook Air mở ra cuộc đua sản xuất laptop siêu mỏng nhẹ... iPod, sản phẩm biểu tượng cho cuộc hồi sinh của Apple từ năm 2001, hiện vẫn là thiết bị nghe nhạc thống trị thế giới.
Sự tập trung đến từng chi tiết nhỏ khiến các sản phẩm của Apple khác biệt so với đối thủ. Các công trình của Ive thường được so sánh với Dieter Rams, chuyên gia người Đức đã thiết kế máy tính cơ, radio... cho hãng Braun vào thập niêm 60 của thế kỷ trước. Những sản phẩm đó, giống như của Apple hiện nay, được biết đến nhờ sự đơn giản, thanh thoát và dễ dùng. "Họ chia sẻ triết lý trong thiết kế: đừng phức tạp hóa mọi thứ", William Stofega, chuyên gia phân tích của IDC, nhận định. "Ive hiểu rằng sự tiện dụng của một sản phẩm là quan trọng nhất, không phải tốc độ, tính năng, cấu hình".
Jobs và Ive từng nói chuyện với nhau ít nhất một lần mỗi ngày. Ảnh: Apple. |
Jonathan Ive cho hay ông và Steve Jobs khi còn sống trao đổi với nhau ít nhất một lần mỗi ngày. Nhưng ông chọn cách làm việc thầm lặng phía sau hậu trường, hiếm khi xuất hiện tại các sự kiện lớn trong khi Jobs nổi tiếng là người có tài diễn thuyết. Dù giàu có, cả hai cùng xây bức tường kiên cố để bảo vệ cuộc sống riêng tư. Rất ít người nhận ra Ive khi gặp ông trên phố, hay biết ông đã làm gì. Nhưng trên khắp thế giới, hàng triệu người ngưỡng mộ các tác phẩm của ông.
Ông ăn mặc đơn giản với chiếc áo phông và quần jean. Chỉ có chiếc đồng hồ (do Mark Newsome, chuyên gia nổi tiếng người Australia và là bạn thân của ông, thiết kế) và xe Aston Martin (mà ông ghét báo chí viết về nó) là dấu hiệu cho thấy Ive là một người thành đạt.
Ông sống với vợ, một nhà sử học, và hai đứa con sinh đôi trong ngôi nhà "nhìn bề ngoài không chút khoa trương". Ive thích ở nhà xem phim mỗi tối và hiếm khi trả lời phỏng vấn. "Trong giới thiết kế, Jony nổi tiếng vì giành vô số giải thưởng nhưng không xuất hiện để nhận chúng", Don Norman, người từng làm việc với Ive từ thập niên 90, cho hay.
Ive luôn chọn hoạt động âm thầm phía sau những chiến dịch đình đám của Apple. Ảnh: Daily Mail. |
Tầm ảnh hưởng của Ive tại Apple lớn đến nỗi Robert Brunner, cựu trưởng nhóm thiết kế tại hãng này, thường tự hào nói: "Tôi vẫn đùa rằng trên bia mộ của tôi sẽ là dòng chữ: Người thuê Jonathan Ive. Anh ta có cái đầu trọc nhưng là người lịch thiệp và nhẹ nhàng nhất bạn từng gặp".
Dù được ngưỡng mộ về tài năng và sự tinh tế giống Steve Jobs, Jonathan Ive vẫn khó có thể thay thế nhà đồng sáng lập Apple, đơn giản vì Ive là một thiên tài thiết kế luôn ẩn sâu trong "thánh địa" của mình hơn là một diễn giả đứng trên sân khấu.
Châu An